Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Nếu được phép chọn lại, xin lỗi tôi vẫn sẽ làm game

game thời trang, Infogame - Mới đây, 1 người đã có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực game online, sau 1 số bài viết về tình trạng làm game không giấy phép, đã có bài viết tâm sự về ngành nghề lựa chọn của mình, thu hút sự chú ý của đông đảo game thủ. Infogame xin đăng tải lại thông tin này cho bạn đọc tiện theo dõi.

 

 

Từ những chuyến công tác dài ngày

Trở thành nhân viên của một công ty game không đơn thuần là ngồi phòng máy lạnh, cắm cúi làm việc trên máy tính và giải quyết mọi vấn đề bằng bàn phím… như nhiều người vẫn lầm tưởng. Trừ khi bạn làm việc trong bộ phận TECH – chịu trách nhiệm về các vấn đề như kỹ thuật, máy chủ, hệ thống. Hay may mắn hơn là có một công việc văn phòng thường thấy như kế toán, hành chính nhân sự, hoặc là bạn phải làm sếp còn lại thì những người thuộc đội ngũ thị trường hay cộng đồng luôn có những vấn đề rất khó để nói ra.

Hành trình quên ngày tháng là chuyện xảy ra thường xuyên.

Trong những đợt sự kiện, tổ chức giải đấu hoặc ra mắt phiên bản mới, cần đến công tác thị trường, những nhân viên này phải chấp nhận rong ruổi trên những hành trình dài tưởng như vô tận để thực hiện nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Đối với những công ty lớn như VNG hay FPT những cuộc hành quân quên ngày tháng này lại càng có cơ hội diễn ra thường xuyên hơn.

Các địa điểm dừng chân thường không quá xa nhau, nên phương tiện đi lại phổ biến nhất là xe khách. Với đội ngũ thị trường những hành lý cá nhân luôn phải là thứ đơn giản nhất, để còn sức mà mang vác theo vô số POSM như poster,banner và những tặng phẩm cần dùng cho chương trình đang thực hiện. Đó là những chuyến đi vất vả mà chỉ những người từng nếm trải mới có thể thấu hiểu.

Những chuyến đi vất vả mà chỉ những người từng nếm trải mới có thể thấu hiểu.

Tuy được cung cấp công tác phí nhưng với những địa bàn khác nhau luôn có những rủi ro bất ngờ khó lường trước. Ví như cùng khu vực miền Trung nhưng đôi khi giá cả sinh hoạt của hai tỉnh kề cận nhau lại khác một trời một vực, nếu người nhân viên thị trường không khéo léo xoay sở và tính toán, khả năng bể show khi đang đi công tác là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đến chuyện tế nhị như lương và thưởng

Khác với phương Tây người châu Á nói chung và điển hình là Việt Nam ít khi muốn thẳng thắng trao đổi về thu nhập công khai trước bàn dân thiên hạ. Từ đó nhiều bạn trẻ có suy nghĩ rằng lương cho nhân viên trong ngành game ắt là cao so với mặt bằng chung cũng không phải ít. Xin thưa rằng điều đó hoàn toàn không đúng.

Từ trước đến nay công tác phí đã đã là vấn đề rất khó tìm được tiếng nói chung giữa kế toán và đội ngũ thị trường. bên nào cũng có lý do riêng để bảo vệ quan điểm của mình. Bộ phận kế toán cần chứng từ hợp lý và chi phí phải rõ ràng, điều đó đúng nhưng có làm thị trường mới biết không phải việc gì chi tiền ra cũng có thể lấy lại tấm hóa đơn giải trình với công ty. Nếu không linh động giải quyết thì công việc sẽ ách tắc lúc đó thì ai sẽ là người chịu thiệt?

Giữa tình và lý đôi khi khó có sự dung hòa.

Hiện tại so với mặt bằng chung có thể thấy VNG là gã nhà giàu của làng game Việt với quỹ lương thưởng khá cao. Thêm vào đó là chế độ phúc lợi và an sinh xã hội rất tốt, có thể nói đây là thiên đường cho bất cứ ai có đam mê và nhiệt huyết với ngành game. Nhưng cả nước VN này chỉ có vài công ty được như vậy thôi còn nói về các nhà phát hành nhỏ hơn thì thê thảm hơn rất nhiều, khi mà tiền công tác phí đôi khi khá là “hẻo”.

Tiền ơi chào mi !

Bên cạnh đó ngoài giờ hành chính, một số bộ phận như chăm sóc khách hàng,GM còn phải túc trực liên tục qua các kênh trực tuyến để có thể ngay lập tức xử lý các vấn đề phát sinh. Nhất là những ngày chuẩn bị ra mắt sản phẩm hay cập nhật phiên bản mới thì thật sự đúng là ác mộng. Thậm chí trong những ngày bình thường thường, việc duy trì liên lạc với khách hàng của người làm cộng đồng cũng đủ bận bịu với hàng tá luồng thông tin khác nhau. Đi lại, ăn uống, tiếp khách … chi phí cho những buổi gặp mặt thế này đều có hạn mức nhất định, nếu lỡ tay dùng hơn thì bạn phải móc tiền túi ra trả.

Nhưng định kiến về cái sự làm game mới là khó nuốt trôi

Phần lớn các bậc phụ huynh đều không tự hào lắm nếu nghe tin con mình đi làm game. Đại đa số đều coi game là thứ vô bổ - cám ơn những ai đã gọi chúng tôi là bọn nghiện ma túy số, nên ban đầu họ thường không có thái độ tích cực khi nghe con mình thông báo sẽ gia nhập làng game. Nói chung định kiến là thứ rất dễ tạo ra nhưng cực kỳ khó thay đổi.

Làm game vẫn còn là một khái niệm khó hình dung.

Một vấn đề khá chua chát là nếu có quen một cô bạn gái mà gia đình có định kiến về game thì cầm chắc bạn sẽ rất khó sống sót để vượt qua vòng xét hỏi. Một vài người bạn của tôi đã đúc kết kinh nghiệm rằng, nếu gia đình của nàng không thật sự hiểu rõ về ngành game hãy trả lời bạn đang làm kỹ thuật viên tin học, bảo trì sửa chữa máy tính hay việc gì đó đại loại như vậy để không bị hạch hỏi quá gắt gao. Nghĩ cũng có lý vì chẳng có bậc cha mẹ nào thích cái ý tưởng gả con gái cho một người làm “ma túy số” đầu độc giới trẻ cả.

Một số bạn sẽ nói như thế là không tôn trọng gia đình bạn gái, phẩm chất con người bạn thế nào thì thời gian sẽ chứng minh. E rằng bạn có rất nhiều thời gian để suy nghĩ cách làm thế nào để chứng minh sau khi sống mãn kiếp FA (Forever Alone) đấy. Vẫn biết là đùa vui nhưng điều này nói lên định kiến về ngành game và những người làm game sẽ còn lâu lắm mới có thể xóa bỏ trong tâm trí các bậc trưởng bối của chúng ta.

Có đôi lần tôi tự hỏi bản thân, gần mười năm lăn lộn trong nghề mình đã làm được gì để gia đình tự hào khi có một đứa con dấn thân vào ngành game? Tôi đóng thuế đầy đủ, có giấy chứng nhận hiến máu, thỉnh thoảng cũng quyên tiền từ thiện, không gây điều tiếng gì tại nơi cư trú và hơn hết tôi sống mà không phải cảm thấy hổ thẹn với bất cứ ai nhưng có lẽ bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để làm mọi người có cái nhìn khá hơn về game.

Và theo dòng thời sự

Nếu độc giả nào có theo dõi bản tin thời sự của VTV3 lúc 19:00 hôm nay, hẳn sẽ biết sự việc đáng buồn đã xảy ra với NPH game Cửu Âm Chân Kinh. Ai có trách nhiệm trong vụ việc này hẳn cơ quan chức năng sẽ có kết luận cuối cùng sau khi điều tra. Nhưng sự tiêu cực từ những thông tin đó lại tiếp tục giáng một đòn mạnh vào những ai đang khao khát chứng minh game không phải là “ma túy số”, game không phải chỉ có bạo lực, không phải là thứ văn hóa độc hại làm giới trẻ suy đồi.

Những kẻ thừa định kiến nhưng thiếu lòng khoan dung hẵn sẽ nhẩy cẫng lên trước thông tin này, còn những người thật lòng yêu game, luôn mong chờ một cái nhìn công bằng từ xã hội, như tôi, như các bạn sẽ cảm thấy như có ai đang bóp nghẹt trái tim mình.

Nếu được phép chọn lại, xin lỗi tôi vẫn sẽ làm game.

Và những bạn trẻ với ước mơ và hoài bão cống hiến cho ngành game rồi sẽ bị cấm đoán ra sao khi các bậc phụ huynh được tiếp sức bởi thông tin:“Phần lớn các trò chơi đều không có giấy phép, mang nội dung bạo lực, không phù hợp thuần mong mỹ tục và là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ án giết người gần đây”.

Có thể nói làm game một ngành nghề cực kỳ mệt mỏi và căng thằng. Lương đủ sống, việc nhiều, lại vướng đầy rẫy định kiến trong xã hội. Nhưng bất cứ thời điểm nào làng game luôn xuất hiện nhân tài, những người làm nên những hình ảnh không thể nào quên. Có lẽ nhiệt huyết của tuổi trẻ đã vượt qua tất cả khó khăn vì vậy nếu đã chọn ngành game hãy vững tin vào sự lựa chọn của mình các bạn trẻ. Riêng phần tôi nếu được phép chọn lại, xin lỗi tôi vẫn sẽ làm game.

 

B.Lotus (Theo i4vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét